Học đại học thật thú vị biết bao. Đó là bốn năm của sự tự do, sôi nổi và trưởng thành. Bạn có thể trò chuyện thâu đêm với bạn bè, khám phá hết nơi này đến nơi khác, cuống cuồng lên mỗi khi đến hạn nộp đồ án và tiểu luận, hoặc có thể ngồi ngay ở ghế đá ăn qua loa bữa trưa. Bạn được quyền làm những điều này mà không phải gánh chịu bất kỳ lời than thở hay sự quản lý ngặt nghèo nào từ cha mẹ. Rõ ràng, bạn thấy mình tự chủ và đời bạn như chưa bao giờ được tự do đến thế.
Tuy nhiên, bạn cần hiểu hơn bốn năm đại học không phải là thời gian để bạn xao lãng học hành và tận hưởng cuộc sống theo lối chơi thả phanh sau những vất vả đã trải qua đời học sinh. Đây là bốn năm vô cùng quan trọng suốt cuộc đời sau này của bạn. Không những nó ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn sau này mà còn là thời kỳ bạn rèn luyện và khẳng định cái tôi và nhân cách của mình. Bởi thế, nếu bạn lãng phí bốn năm đại học, sau này trên đường đời, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và hối tiếc tại sao trước kia mình không cố gắng rèn luyện.
- Mỗi bài giảng đặt một câu hỏi
Không dễ để lúc nào cũng tỉnh táo trong suốt bài giảng. Đặc biệt khi lớp học diễn ra vào buổi sáng, hoặc ngay sau bữa trưa thịnh soạn, và bạn phải cố gắng hết sức để giữ cho mắt khỏi cụp xuống… cụp xuống dần… thậm chí gần đến mức… nhắm tịt…Và cứ như vậy, bài giảng cứ thế trôi qua mà bạn chẳng học được điều gì ngoài việc làm sao để lau sạch nước dãi trên quyển vở. Nếu bạn mong muốn thành công ở trường đại học, bạn cần phải làm tất cả những gì có thể để chống lại điều này. May mắn thay, một trong những cách hữu hiệu nhất để luôn tập trung và hứng thú với bài giảng là thực hiện một việc cực kì đơn giản: Mỗi bài giảng luôn đặt ít nhất một câu hỏi.
Vào tối hôm trước khi bạn đọc tài liệu chuẩn bị cho bài giảng, hãy viết ra một loạt câu hỏi. Sau đó, một lần nữa trong lớp.hãy xem xét kĩ lưỡng những tài liệu mà giảng viên đề cập, điều chỉnh và trau chuốt những câu hỏi cho phù hợp. Cuối cùng chừng nào bạn thấy câu hỏi của mình có ý nghĩa và làm rõ một điểm quan trọng nào đó trong bài giảng,hãy đặt câu hỏi. Bí quyết ở đây là, bạn luôn tham gia đặt câu hỏi nhưng không hề xử sự thiếu tế nhị như đám sinh viên vô ý trên hàng ghế đầu cứ nửa phút đặt câu hỏi một lần.
Cách làm này không chỉ giúp bạn củng cố hiểu biết, mà còn khiến bạn tập trung và tỉnh táo suốt buổi học. Đây là phương pháp cực kỳ hiệu quả nhằm chống lại cơn mệt mỏi luôn thôi thúc bạn chệch sang trạng thái ngẩn ngơ. Một hoặc hai câu hỏi hay trong lớp đủ để giảng viên thấy phấn khởi, nhưng không khiến các bạn cùng lớp thấy khó chịu đâu.
Hãy tranh thủ đặt ít nhất một câu hỏi trong mỗi bài giảng. Làm vậy thật đơn giản, và sẽ định hình trải nghiệm của bạn ở lớp học tốt hơn
- Học hàng ngày
Sinh viên cũng như một tay chơi golf chuyên nghiệp. Bất kỳ ai theo đuổi môn thể thao này cũng sẽ nói với bạn, chơi golf phụ thuộc rất nhiều vào vận may. Dù người chơi có giỏi đến đâu, anh ta vẫn có thể gặp vận may cũng như vận rủi. Nếu may mắn mỗi cú đánh đều đưa bóng đến nơi anh ta muốn. Nếu xui xẻo, mỗi cú đánh dường như đi ngược lại hoàn toàn với ý muốn của người chơi.
Thật ngạc nhiên, học đại học cũng giống như vậy. Bạn sẽ trải qua những ngày mà sự tập trung của bạn không thể bị phá vỡ. Bạn hoàn thành công việc nhanh chóng và hiệu quả. Bạn kết thúc mọi việc trước thời hạn, sớm hơn rất nhiều so với thời gian bạn đặt ra, và cảm thấy hài lòng về bản thân mình. Nhưng có lúc bạn gặp phải vận rủi. Ngày qua ngày, bạn đọc chẳng xong lấy một cuốn sách. Bạn thấy mệt mỏi, mất cảm hứng và chán chường.
Một trong những bí quyết quan trọng nhất để thành công ở bậc đại học là ngăn chặn sự mất hứng đó. Và may mắn thay, không giống như chơi golf, mục tiêu này dễ thực hiện hơn rất nhiều. Điều cần nhớ ở đây là hãy kiên trì. Sinh viên thường mất hứng khi trải qua một kỳ nghỉ dài không đụng gì đến sách vở, và rồi cảm thấy khó có thể quay trở lại nhịp làm việc bình thường. Để ngăn chặn điều đó, bạn cần phải học một khối lượng bài vở nào đó mỗi ngày. Điều này không có nghĩa là bạn phải từ bỏ mọi kế hoạch giao lưu với bạn bề vào dịp cuối tuần và trở thành kẻ mọt sách. Thay vì vậy, hãy học một chút mỗi ngày. Vào thứ sáu bạn có thể học khoảng một tiếng ngay sau khi tan học, bạn sẽ thấy khá dễ chịu.Vào tối thứ bảy, bạn hãy dành thời gian nghỉ ngơi hoặc đi chơi cùng bạn bè, nhưng chiều hôm đó hãy dành ra chút thời gian để làm một hay hai bài tập trong khi tất cả mọi người còn đang lơ mơ ngủ. Chủ nhật là ngày làm việc, bạn chỉ cần hoạt động như bình thường. Và không nên nghỉ một ngày nào trong tuần cả.
Khi làm bài tập, bạn sẽ thấy có động lực hơn. Khi học mỗi ngày, bạn sẽ thấy có động lực từng ngày. Bằng cách không phép bản thân chìm vào những đợt nghỉ dài không đụng đến sách vở, bạn sẽ ngăn chặn được khả năng rơi vào những chuỗi ngày mất hứng mà nếu bước vào sẽ rất khó thoát ra. Một cam kết bền vững hàng ngày đối với việc học sẽ tạo ra một chu trình cũng cố kiến thức và tăng năng suất tuyệt vời. Chu trình đó sẽ giúp bạn trở thành”tay golf”xuất sắc trong việc học. Việc bạn học mỗi ngày bao nhiêu không quan trọng miễn là nếu học một chút mỗi ngày, bạn sẽ đạt được trạng thái cân bằng dễ dàng hơn hẳn.
- Học theo những khoảng thời gian 45 phút
Theo tư duy truyền thống trong các trường đại học, cách học hiệu quả nhất để hoàn thành một khối lượng lớn bài vở là: (1) chất đống sách vở, ghi chép, và đề cương ôn tập đặt ngay trước mặt; (2) học đến khi mệt lả thì thôi; (3) tỉnh dậy vài giờ sau đó và tự hỏi mình đang ở đâu; (4) lau hết nước dãi trên đống sách bằng một chiếc khăn ẩm; (5) uống một lượng lớn cà phê; (6) lặp lại quá trình vừa rồi.
Đừng làm như vậy. Khi bạn làm bài tập về nhà, dù là đọc sách, ghi bài, làm việc trong phòng thí nghiệm, học từ mới, hãy cố gắng làm mỗi việc trong khoảng 45 phút. Hãy nghỉ giải lao khoảng mười phút giữa mỗi khoảng 45 phút làm việc. Đây là bí quyết cho bất kỳ sinh viên thành công nào.
Tại sao lại là 45 phút? Trước hết, điều này có cơ sở khoa học rất thuyết phục. Những ai nghiên cứu về khoa học nhận thức đều biết cách vẽ sơ đồ trí nhớ theo thời gian, và chỉ ra rằng các chu kỳ xấp xỉ 45 phút, xen vào đó những phút giải lao, có thể tối đa hóa lượng kiến thức bạn học và ghi nhớ trong khoảng thời gian đó như thế nào. Nhưng cũng quan trọng không kém, việc chia tất cả công việc của bạn thành khoảng thời gian làm việc rõ ràng, cụ thể sẽ cung cấp cách học hệ thống cho bạn. Nếu có năm giờ để đọc tài liệu, bạn sẽ nhìn vào đống sách trước mặt mình một cách vô vọng. Làm sao có thể tập trung vào chương đầu tiên nếu biết rằng sau đó còn rất nhiều phần? Nhưng nếu bạn chỉ cần tập trung khoảng 45 phút một lần, thì điều không thể bỗng dưng biến thành có thể. Năm lần đọc như vậy dường như không quá tệ. Bạn có thể đọc ba lần như vậy trước bữa tối, và sau bữa tối đọc hai lần, hay theo bất cứ cách nào mà bạn thấy phù hợp nhất, và ngay lập tức bài tập của bạn trở nên dễ dàng hơn. Còn chưa kể đây là cách học hiệu quả nhất đối với não bộ con người.
Một khi xây dựng được hệ thống học tập, bạn sẽ không bao giờ muốn tiếp cận bất kỳ khối lượng bài vở nào nếu không có cách học hệ thống. Sử dụng những khoảng thời gian 45 phút là sự bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ hệ thống nào.
- Viết thật nhiều – không chỉ là những bài tập trên lớp.
Kỹ năng quan trọng số một của một sinh viên đại học là viết luận. Kỹ năng quan trọng số hai của một sinh viên đại học cũng là viết luận. Kỹ năng quan trọng số ba của một sinh viên đại học, hẳn bạn đã đoán ra, lại là viết luận. Điều này đặc biệt đúng đối với sinh viên ngành khoa học xã hội và ngành ngoại ngữ.
Bạn hẳn đã hiểu ý chúng tôi là gì: Viết luận cực kỳ quan trọng đối với một sinh viên đại học. Bạn chỉ có thể thành công trong môi trường học thuật nếu có khả năng diễn đạt những suy nghĩ của mình rõ ràng và thuyết phục. Điều này có nghĩa là nếu bạn muốn thành công ở trường đại học, bạn cần phải giỏi viết lách. Thực sự giỏi. Giống như cú ném trúng rổ là cực kỳ quan trọng trong môn bóng rổ, viết lách là kỹ năng quan trọng nhất của một sinh viên. Nếu muốn trở thành vận động viên bóng rổ cừ khôi, bạn cần luyện tập miệt mài để ném được bóng trúng rổ. Nếu muốn trở thành sinh viên xuất sắc, bạn cần phải luyện tập viết lách sau khi hoàn thành những bài tập được giao về nhà. Bạn có thể làm được điều này bằng cách tham gia vào nhóm viết báo ở trường. Đó có thể là tờ tin tức hàng ngày, tạp chí văn học, nội san khoa học, bình luận chính trị, hay một tờ báo hài. Bạn chọn nhóm viết báo nào không quan trọng, miễn là tờ báo đó yêu cầu bạn viết thật tốt và thật đều. Bạn cũng có thể viết những bài tham luận, nhận viết đề xuất kế hoạch cho những câu lạc bộ bạn tham gia, hoặc gửi bài viết tới các tờ báo, tạp chí. Nếu sáng tạo, bạn có thể viết truyện ngắn, kịch bản hoặc phim, hoặc viết bình luận cho mục nghệ thuật của các tờ báo sinh viên trên cả nước. Bạn viết kiểu gì không quan trọng, miễn là viết thật đều. Càng chuyển tải được nhiều suy nghĩ thành bài viết, bạn càng trở nên giỏi trong lĩnh vực sống còn này.
Hãy học tập Larry Bird – một vận động viên bóng rổ tuyệt vời. Dù vui vẻ hay buồn bã, khỏe mạnh hay mệt mỏi, anh vẫn luôn tập ném bóng một trăm lần mỗi ngày. Bạn nên làm như vậy. Hãy bắt buộc bản thân viết nhiều nhất có thể. Có một cách mà nhiều nhà văn thường làm, đó là ngày nào bạn cũng viết, không cần nhiều, nhưng viết thường xuyên và duy trì lịch viết đều đặn. Làm như vậy, bạn sẽ tự động hình thành phản xạ viết lách tốt. Đây là một kỹ năng không thể thay thế và cực kỳ cần thiết để thành công ở bậc đại học. Hãy thật thành thạo kỹ năng này. Hãy luyện viết thật chăm chỉ, đều đặn hàng ngày. Bạn có thể cải thiện được kỹ năng viết và thậm chí kiếm thêm thu nhập từ chính sự chăm chỉ đó.
- Đừng quan tâm đến điểm số của bạn cùng lớp
Ít nhất một lần trong đời, bạn đã so sánh điểm số của mình với người khác.
Chẳng hạn khi giáo viên kiểm tra bài bạn, bạn nghĩ mình đã làm tốt và bạn tự tin mình được điểm cao, nhưng thực tế lại không phải vậy. Rồi bạn thấy bài kiểm tra của cô bạn ngồi kế bên. Cô ấy được điểm cao hơn bạn! Thật khó chịu khi thấy ai đó được điểm cao hơn môn tủ của bạn. Bạn không thể chịu được cảm giác người bạn cùng lớp thông minh hơn bạn, và đó là một cảm xúc tồi tệ. Nếu chuyện đó diễn ra nhiều lần, bạn sẽ không còn hứng thú với môn đó nữa, bạn chẳng mấy chú ý vào bài học, bạn ít đặt câu hỏi trong lớp và bạn sẽ khổ sở với các bài kiểm tra trong tương lai. Vấn đề ở đây là: tất cả những cảm xúc tiêu cực xảy ra chẳng có lý do nào cả. Tại sao? Bởi chênh lệch trong một vài bài kiểm tra không chứng tỏ ai kém hoặc thông minh hơn ai.
Thay vì buồn rầu hay tức tối, chúng tôi khuyên bạn nên suy nghĩ tích cực hơn. Chẳng hạn, hãy suy nghĩ xem tại sao người bạn đó lại được điểm cao hơn bạn. Có thể cô ấy đã tập trung học một chủ đề hoặc một cuốn sách nào đó vô tình liên quan đến nhiều câu hỏi trong bài kiểm tra. Có thể trước khi thi, cô ấy biết cách phân bố thời gian để ôn tập và chuẩn bị tốt. Có thể cô ấy đã bị điểm kém trong bài kiểm tra trước, và lần này cô ấy quyết tâm làm bài tốt bằng mọi giá. Có thể cô ấy biết cách nghĩ ngơi để dưỡng sức trước khi thi. Bạn thấy đấy, có rất nhiều yếu tố hợp lý có thể giải thích kết quả thi tốt hay không tốt trong một ngày nhất định, và chúng hầu như không liên quan gì đến trí tuệ.
Chênh lệch điểm số trong một bài kiểm tra không chứng tỏ ai kém cỏi hoặc thông minh hơn ai. Hãy suy xét lại tại sao mình bị điểm thấp và tìm cách sửa đổi, hơn là tức tối với bạn trong lớp được điểm cao hơn bạn.
- Chăm chỉ đến lớp
Có hàng trăm lý do bạn có thể viện ra để nghỉ học: tôi mệt quá, tôi thấy khi lớp học hơi ngột ngạt, bài giảng có trên mạng rồi, chỉ việc tải về là xong, tôi còn nhiều việc phải làm lắm, tôi không muốn bỏ lỡ tập tiếp theo của bộ phim ưa thích buổi sáng đâu. Tất cả những điều này không phải là lý do chính đáng. Bạn phải chăm chỉ đến lớp học!
Các bài giảng là nguồn kiến thức quan trọng nhất trong bất kỳ môn học nào. Giảng viên sẽ nói cho bạn những gì họ thấy cần thiết về một đề tài, điều gì không cần thiết, phương pháp phù hợp để tiếp cận, phân tích hay thảo luận về đề tài đó.
Cách tốt nhất để nắm vững những kiến thức quan trọng này là ngồi trong lớp học, xung quanh là bạn bè, giảng viên đứng trên bục giảng, và bạn bè sẽ đặt câu hỏi khi không hiểu rõ vấn đề. Nói ngắn gọn, bạn cần phải đến lớp học.
Học ở lớp không giống như đọc lại các slide bài giảng tải về từ mạng, hay đọc những ghi chép cẩu thả của bạn bè. Nhịp điệu đặc trưng khi giảng viên thuyết trình, cách giảng viên hệ thống và làm rõ nội dung bài giảng, và trả lời các câu hỏi được đưa ra, tất cả đều là những nhân tố quan trọng giúp bạn nắm vững kiến thức quan trọng.
Thêm vào đó, đến lớp học cũng tăng cho bạn sự tự tin vào việc học. Bỏ một bài giảng giống như bò một buổi luyện tập thể thao: bạn sẽ cảm thấy tội lỗi, kém cỏi và lười nhác. Sự thiếu tự tin này, cộng với sự thiếu vắng người khơi gợi những kiến thức quan trọng của môn học, sẽ dẫn đến kết quả học tập tồi tệ, và điều này kéo sự tự tin của bạn xuống thấp dần. Hãy tránh điều này bằng cách làm cho quy tắc này trở thành không thể khoan nhượng.
Nếu bạn bỏ học mà không có lý do chính đáng, dù chỉ một lần, những lần sau sẽ tự mặc cả với mình. Đừng lãng phí thời gian của bạn vào việc tranh đấu vô bổ đó! Hãy chăm đến lớp học.
- Đừng học trong phòng ký túc
Nếu có bảng xếp hạng chính thức về những địa điểm tệ nhất dành cho việc học, phòng ký túc của bạn hẳn sẽ tụt xuống đâu đó giữa đường cao tốc và một buổi biểu diễn nhạc rock cực kỳ ồn ào. Học trong phòng ký túc chỉ có duy nhất một ưu điểm, đó là tiện lợi. Thật không may ưu điểm này cũng không đáng giá lắm, bởi bản thân việc học đã không nên tiện lợi rồi, việc học cần phải hiệu quả.
Và nơi học tập tốt nhất là một môi trường có thể tạo cảm hứng suy nghĩ thông suốt cho bạn, một môi trường không có sự phân tán không cần thiết hoặc có bất kỳ cám dỗ nào dẫn đến sự mất tập trung. Hay nói thẳng ra nhé, HÃY HỌC Ở THƯ VIỆN.
Nếu có Mười điều răn để đạt điểm cao, thì bạn không nên học trong phòng ngủ là nội dung điều răn thứ nhất cho đến điều răn thứ năm, việc đó thực sự quan trọng. Hãy dừng lại một chút để ngẫm nghĩ về phòng ngủ của mình: nó đông đúc, mọi người vào ra liên tục; mọi sự phân tán – từ chuông điện thoại cho đến đồ ăn, trò chơi điện tử, chương trình chat trên máy tính – có thể tìm đến cực kỳ dễ dàng; khu ký túc thì ồn ào; và xung quanh toàn là người. Nếu muốn học hành hiệu quả, bạn cần thoát khỏi môi trường này.
Hãy dành một khoảng thời gian học mỗi ngày học trong thư viện. Hãy biến nó thành nơi bạn hoàn thành hầu hết những bài tập được giao. Bởi việc bước vào thư viện và kiếm chỗ ngồi không phải là tiệc cho lắm, nên nếu phải dời đó quá sớm, bạn cũng sẽ tương đối ngại ngần. Cũng bởi không gian thư viện rất yên tĩnh và không có gì khiến bạn phân tán, bạn sẽ dễ tập trung hơn, vì thế hoàn thành được rất nhiều việc. Và bởi trong thư viện, bao quanh là những chồng sách hàn lâm trang trọng nối tiếp nhau và những học viên học tập chăm chỉ, bạn cũng sẽ dễ dàng dấn thân vào vùng đất trí tuệ và đầy quyền lực này.
Thư viện được tạo ra là để tối đa hóa năng suất học tập của bạn. Ngược lại, có vẻ như phòng ký túc tạo ra để tối thiểu hóa năng suất đó. Những sv thành công sẽ nhận ra rằng Nếu chỉ hoàn thành bài tập thôi chưa đủ, mà còn phải tự tạo cho mình cơ hội học tập và làm việc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hoàng thành tốt bài tập càng hiệu quả, bạn càng có thể dành nhiều thời gian để giải trí trong cái đống bừa bộn ở phòng ký túc của mình.
Hãy luôn học ở đâu đem lại hiệu quả. Thư viện trường đem đến cho bạn sự yên tĩnh, tập trung cao độ, giúp bạn dễ dàng hoàn thành bài tập mà không bị xao lãng nhiều.
- Đừng học nhóm
Chừng nào chúng ta còn muốn loại bỏ những trò vui ra khỏi học hành, chúng ta vẫn còn phải chịu một nỗi đau nữa: Hạn chế học nhóm. Thoạt nhìn, những buối học nhóm bao gồm nhiều người và có vẻ có rất nhiều ưu điểm: tính chất giao lưu, buộc bạn có trách nhiệm với việc học, cắt giảm lượng kiến thức lẽ ra bạn phải tự học, và giúp bạn làm sáng tỏ điều khó hiểu. Rất không may, học nhóm thường dễ có hại hơn có lợi. Việc đó không hiệu quả chút nào.
Cách tốt nhất để hoc những nội dung khó là tự học với sự tập trung cao độ, học đi học lại cho đến khi những khái niệm đó trở nên quen thuộc hơn. Không cách nào thay thế được cách học như vậy. Dù nghe có vẻ chán nản thế nào chăng nữa, bạn thực sự cần ngồi vào chiếc bàn yên tĩnh trong thư viện và tập trung vào các nội dung cụ thể trong bài. Điều đó không giống với việc anh bạn cùng nhóm học tập giải thích qua loa cho bạn. Trên thực tế, “học hỏi” một khái niệm từ bạn cùng nhóm cũng giống như cố gắng đọc một cuốn sách với tốc độ rất nhanh. Bạn có thể hiểu lơ mơ về chúng, nhưng bạn sẽ không nhớ hoặc hiểu rõ được. Tự học cho đến khi nào hoàn toàn hiểu rõ hiệu quả hơn có ai đó diễn đạt lại kiến thức cho bạn. Và nếu nói đến tính hiệu quả, rõ ràng học nhóm có thể ngốn của bạn hàng đống thời gian vào việc tán gẫu vô bổ.
Điều này không có nghĩa bạn phải hoàn toàn đơn độc trong học hành. Trái lại, khi bạn muốn kiểm tra hiểu biết của mình về một vấn đề, hay rắc rối với một vấn đề cụ thể nào đó, trao đổi với người khác rất có lợi. Tuy nhiên, bí quyết ở đây là Hãy tìm kiếm ai đó để được trợ giúp một vấn đề cụ thể, sau đó quay trở lại học tập độc lập. Thay vì học nhóm, hãy rủ một vài người bạn cùng học ở thư viện với bạn, và họ có thể giúp đỡ bạn khi có một vấn đề cụ thể nào đó nảy sinh.
Việc học nhóm chỉ dành cho học sinh tiểu học và sinh viên ngành luật mà thôi. Sự thật là sv đại học tiếp thu tốt nhất khi học một mình. Đây là cách những sv xuất sắc nhất làm chủ kiến thức phức tạp. Khi có vấn đề nào quá khó, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè và sau đó, quay trở lại học một mình.
- Học thêm một chuyên ngành hay ngành phụ.
Học thêm một chuyên ngành hay ngành phụ? Bạn đang đùa đúng không?
Tôi không có thời gian! Ngốc ạ!
Đây là những phản ứng thường thấy đối với một đề nghị ít thấy này. Học thêm một chuyên ngành hay ngành phụ là một việc tốt bởi những lý do hết sức hiển nhiên. Bạn sẽ tốt nghiệp với kiến thức chuyên sâu không chỉ của một ngành học. Nó cũng giúp bạn luôn tập trung trong những tháng năm học tại trường. Và quan trọng nhất, học thêm một ngành nữa sẽ giúp bạn gây được ấn tượng khi xin việc, nộp đơn vào cao học hay ứng cử cho các giải thưởng và học bổng. Và mặc dù nhiều người cho rằng học thêm một ngành nào đó sẽ tốn thời gian kinh khủng, tin tốt lành là: Điều đó không đúng đâu.
Học thêm một lĩnh vực không có nghĩa bạn cần học nhiều môn hơn bình thường. Giả sử bạn đã học một chuyên ngành, và trong một học kì thông thường, bạn học 5 môn: 2 chuyên ngành và 3 môn bất kỳ nào đó. Và nếu bạn học thêm một ngành phụ, hãy nghĩ xem, trong một học kỳ, bạn cũng chỉ học 5 môn. Chỉ khác một chỗ, bạn đã đổi 1 môn bất kì thành 1 môn chuyên ngành phụ. Điều này thật đơn giản!
Thực sự môn học tùy chọn và môn học bắt buộc của chuyên ngành thứ hai hay ngành phụ, về bản chất không khác nhau chút nào. CHúng đều là các môn học có số tín chỉ như nhau, đều khiến bạn hứng thú, và chúng buộc bạn hoàn thành khối lượng công việc tương đương. Điểm cốt yếu ở đây đó là : Học thêm một chuyên ngành không quá gian khổ. Trái lại, đó chỉ là một cách để tập trung quyết định của bạn về các lớp học bạn muốn đăng kí tham gia. Và tập trung là rất tốt. Nó nhắc nhở bạn và những người khác rằng: bạn là 1 sv nghiêm túc với những mối quan tâm thực sự.
Bí quyết ở đây là: lên kế hoạch sớm và tỉ mỉ. Ngay khi bạn quyết định chuyên ngành 2 của mình, hãy bỏ ra 1 buổi tối để tìm hiểu những yêu cầu và các môn học cụ thể. Viết ra kế hoạch rõ ràng về nhưng môn học bạn sẽ đăng ký và thời điểm tham gia những lớp học này. Mỗi khi lựa chọn lớp học vào đầu kỳ, bạn cần làm một kế hoạch. Đó là tất cả những gì bạn phải làm.
Mặt khác, nếu bạn đang ở năm cuối trong trường đại học, chưa hẳn là đã hết hy vọng đâu. Rất nhiều sv gần như hoàn thành các môn học của chuyên ngành 2 mà không mệt mỏi. Hãy xem bảng điểm của mình. Có lĩnh vực nào mà bạn đã học nhiều môn bên cạnh các môn chuyên ngành không? Đối với hầu hết sv, câu trả lời là có. Có sv chuyên ngành Tiếng Anh nhưng lại sở hữu khá nhiều tín chỉ tiếng Pháp do tham dự một kỳ học ở nước ngoài, một sv ngành Lịch sử trong suốt 2 năm nay lại tham dự nhiều hội thảo về tâm lý học. Đối với các nhóm môn phụ trong bảng điểm, hãy xem xem bạn cần bạn cần bao nhiêu tín chỉ nữa để hoàn thành một ngành phụ. Kết quả của việc này thường khá bất ngờ. Đối với 1 sv năm 3 hoặc đầu năm thứ 4, việc nhận ra rằng mình chỉ cần học thêm 2 hay 3 môn để hoàn thành 1 chuyên ngành nữa mà mình vốn không định theo đuổi là hoàn toàn bình thường.
Nếu bạn dự định theo học một lượng vừa vừa suốt 4 năm, thì dù bạn quyết định theo đuổi ngành nào đi nữa, bạn cũng thiếu tập trung trong trải nghiệm học tập của mình. Thay vì học môn học tự chọn dễ ợt, những sv thành công thường tận dụng tối đa các trải nghiệm ở trường. Vì vậy, hãy học thêm một chuyên ngành hoặc ngành phụ để tối đa hóa những thành công của bạn.
- Học cách lắng nghe
Một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần được phát triển ở trường đại học là khả năng lắng nghe. Khi là sinh viên đại học, có thể những kiến giải của bạn còn hời hợt, thiếu độ sâu sắc, chín chắn. Nhưng tất cả chúng ta đều thích bày tỏ ý kiến cũng như niềm tin của mình, và sự tự tin của một người trẻ có thể khiến bạn nhảy xổ vào một cuộc tranh luận với giảng viên hoặc những sinh viên khác. Việc đó không có ích gì với bạn, nó chỉ khiến bạn hung hãng và bảo thủ hơn. Thay vào đó, hãy dành quãng thời gian học đại học để phát triển khả năng lắng nghe và tổng hợp ý kiến.
Điều này không có nghĩa là bạn thu mình vào một góc nghe ngóng và không bao giờ bày tỏ quan điểm. Trái lại, hãy bày tỏ quan điểm trong lớp hay khi trò chuyện với bạn bè vào lúc thích hợp. Những cuộc thảo luận hay tranh luận mang tính xây dựng có thể là những kinh nghiệm rất tốt (điều cốt yếu ở đây là “mang tính xây dựng”, chúng ta không xét đến việc “cãi cùn”). Nhưng bạn sẽ thu được nhiều thứ hơn nếu biết lắng nghe hợp lý. Trước hết đừng bao giờ là người đầu tiên bày tỏ ý kiến. Nếu bạn đang nói chuyện với một nhóm bạn hoặc với giảng viên, và một chủ đề tranh luận xuất hiện, bạn sẽ không đạt được gì nếu ngay lập tức bày tỏ những gì bạn cho là đúng. Bạn có thể đúng, co thể sai, nhưng ai quan tâm chứ? Đây là cơ hội để bạn học hỏi và đạt được sự quý mến cùng lòng ngưỡng mộ của mọi người. Thay vì bắt đầu tranh luận gay gắt với những gì mình tin tưởng, hãy cẩn thận lắng nghe ý kiến của mọi người. Thay vì bắt đầu tranh luận ngay với những gì mình tin tưởng, hãy cẩn thận lắng nghe ý kiến của những người khác. Hãy đưa ra những câu hỏi mang tính xây dựng. Suy nghĩ kỹ càng về từng quan điểm mà người khác đang bảo vệ. Sau đó, hãy cẩn thận và tự tin đưa ra suy nghĩ của bạn. Không nên bắt đầu câu nói của bạn kiểu như: Bạn sai rồi hoặc Tôi không đồng ý. Thay vào đó hãy chỉ ra điểm khác nhau trong quan điểm của bạn và của người khác, đưa ra những câu hỏi về các yếu tố có liên quan để đánh giá xem quan điểm của bên nào tốt hơn.
Ví dụ, đừng biến cuộc tranh luận về sức mạnh của đồng tiền thành một cuộc tranh luận về mặt đạo đức hay sự tha hóa, biến chất của con người. Thay vào đó, hãy thảo luận các kiểu khác nhau về mặt giá trị của đồng tiền trong mọi mặt đời sống và đưa ra những cách ứng xử với đồng tiền mà bạn có thể nghĩ ra được.
Cách đầu tiên chỉ mang đến sự bực tức, cách thứ hai giúp hai bên hiểu rõ vấn đề hơn. Bạn gần như không bao giờ thuyết phục được đối phương rằng họ đã sai, vì vậy tại sao lại lãng phí thời gian vào tranh cãi?
Ưu điểm của cách tiếp cận này là nó hữu ích cả khi thảo luận trong lớp lẫn khi tranh luận với bạn bè. Nếu bạn học cách lắng nghe, bạn không chỉ có được sự hiểu biết rõ ràng về điều mình quan tâm mà còn nhận được sự tôn trọng của những người khác.
Một người biết lắng nghe thực sự là của hiếm ở trường đại học. Luôn tuân thủ quy tắc này, bạn có thể trở thành một trong số đó, những người có hiểu biết và được tôn trọng.
Leave a Comment