Lối sống tối giản của người Nhật, hay còn được biết đến với cái tên là Danshari hoặc Minimalism, hiện đang được rất nhiều nước khác trên thế giới yêu thích và áp dụng theo. Triết lý sống này không chỉ được áp dụng trong việc sắp xếp những vật dụng, đồ đạc trong nhà mà hơn thế nữa nó còn giúp ta tìm thấy sự an yên trong cuộc sống bộn bề, đầy phức tạp.
Phong cách sống tối giản của người Nhật có nguồn gốc từ Thiền Tông. Tông phái Thiền Tông (Zen Buddhism) vô cùng phổ biến với bộ phận người trẻ tại Nhật Bản vì những giá trị về lợi ích, tinh thần và cảm quan mà thiền tịnh đem lại. Theo quan niệm và triết lý của Thiền Tông, con người càng ít bị ràng buộc bởi vật chất, cuộc sống càng thanh thản, tinh thần càng tích cực hơn. Tư tưởng này đã ảnh hưởng đến phần lớn lối sống của người dân xứ Phù Tang.
Sống tối giản là câu trả lời hoàn hảo cho một vấn đề đang tồn tại trong thời đại ngày nay: Chúng ta đang sống với quá nhiều thứ ràng buộc và luôn cảm thấy mệt mỏi. Chính vì vậy, khi chúng ta chọn cách tối giản mọi thứ từ trang phục đến nếp ăn uống hàng ngày, từ trang trí đến lối sống sẽ giúp mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Cốt lõi của lối sống tối giản chính là ngừng chạy theo những nhu cầu phù phiếm, mua sắm điên cuồng đến mức bạn không biết mình cần vật dụng đó để làm gì. Giữa ngổn ngang đồ vật chất đống, bạn không thể xác định được đâu là món đồ mình yêu thích nhất (thậm chí món đồ bạn yêu thích bị quên lãng vì những món đồ không cần thiết che khuất). Giữa ngổn ngang suy nghĩ bận tâm trong đầu, bạn sẽ không thể phát hiện đâu là việc có ý nghĩa nhất với mình.
Trong cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật“, tác giả Fumio Sasaki đã dẫn chứng chính ngôi nhà của mình. Với căn phòng rộng 20m2, tổng số đồ đạc của Sasaki chỉ dao động ở con số 150 và chắc chắn sẽ không tăng thêm bất cứ đồ vật nào nữa. Theo lời tác giả, bắt đầu một lối sống tối giản, bạn phải học cách chấp nhận từ bỏ, nói không với những thứ không cần thiết và hài lòng với những gì mình đang có. Sau đây là một số ví dụ điển hình:
Nói không với việc chạy theo xu hướng thời trang. Số lượng trang phục trong tủ quần áo của Sasaki dao động từ 20 – 30 món. Việc chạy theo xu hướng sẽ khiến bạn phải đau đầu lựa chọn cái này hay cái kia và tủ quần áo của bạn ngày càng đầy lên, có những thứ thậm chí bạn mua về nhưng chưa bao giờ sử dụng, gây ra tình trạng lãng phí.
Không thể mời khách đến nhà chơi vì số chén bát tại gia không đủ dùng? Theo Fumio Sasaki, “Phố phường chính là phòng khách nhà bạn”. Dẫn bạn bè đến “phòng khách” đặc biệt đó, nơi có những quán ăn ngon để cùng nhau thưởng thức và trò chuyện. Điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian chuẩn bị, giảm thiểu vật dụng khi nấu nướng và buổi nói chuyện chỉ tập trung vào con người.
Bạn cũng phải học cách lựa chọn, bỏ đi những thứ không cần thiết. Hãy kiểm lại tủ sách, xem có bao nhiêu cuốn bạn đã đọc, bao nhiêu cuốn đang đọc dở và bao nhiêu cuốn chưa từng được bạn động đến? Và đã đến lúc bạn cần biết mình phải giữ lấy những gì quan trọng nhất với mình.
Không chỉ sách mà những đồ dùng, thiết bị khác trong cuộc sống của bạn cũng cần giữ ở mức tối giản nhất có thể. Càng có nhiều thứ xung quanh mình thì mỗi ngày bạn đều phải đưa ra sự lựa chọn, quyết định. Khi bắt đầu vứt bớt những thứ đồ thừa thãi, bạn sẽ bắt đầu thấy cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn.
Khi đã được nâng lên thành một lối sống thì “tối giản” không chỉ dừng ở việc tạo không gian “tối thiểu đồ vật nhưng tối đa hạnh phúc”. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng lối sống này trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống:
Hàng ngày, chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin đến từ mạng xã hội, các phương tiện truyền thông…. Bạn sẵn sàng dành hàng tiếng đồng hồ để lướt web, check các thông tin ở mạng xã hội nhưng bạn không nghĩ rằng mình đã đánh mất thời gian chơi với con, dành thời gian quan tâm đến những người thân yêu nhất.
Giữa ma trận thông tin hỗn độn, bạn sẽ không bao giờ biết chắc thông tin nào là đúng, thông tin nào là sai; tin nào là hữu ích còn tin nào là tiêu cực. Chính vì vậy, càng tối giản trong việc sử dụng các kênh thông tin, bạn càng có nhiều thời gian để làm những việc khác và không để những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ của mình.
Một trong những tư tưởng chính của lối sống tối giản chính là chú trọng chất lượng hơn số lượng. Trong mối quan hệ cũng vậy, thay vì quan niệm rằng càng đông bạn càng vui, càng kết thân với nhiều người thì sẽ càng có ích lợi, bạn hãy dành thời gian cho những mối quan hệ thân thiết nhất.
Hiểu ít người nhưng hiểu “sâu” vẫn hơn biết nhiều người mà biết “cạn”. Bạn càng có nhiều mối quan hệ đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với những mâu thuẫn, xích mích, nạp thêm nhiều “kẻ thù”. Do đó, hãy tập trung duy trì và phát triển những mối quan hệ “chất lượng”.
Trong tủ lạnh của những người sống tối giản rất ít đồ dự trữ. Họ chỉ giữ lại những thực phẩm thiết yếu, luôn sử dụng hàng ngày. Điều đó sẽ tránh gây ra sự lãng phí không cần thiết, đồng thời giúp bạn không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ hôm nay ăn món gì? Bát đũa, cốc chén cũng giữ ở số lượng nhất định, đủ để dùng.
Dụng cụ nhà bếp cũng được sắp xếp một cách đơn giản và gọn gàng nhất. Chỉ cần những thứ cần thiết như dao, thớt. Bạn không cần mất thời gian xoay sở với bữa ăn trong một căn bếp bừa bộn với quá nhiều thứ không dùng đến.
Zalo liên hệ: 0907636606