Người có tinh thần độc lập cũng thường là người có tầm nhìn xa trông rộng.
Cổ nhân có câu: “Không lo xa, ắt có họa gần”. Cho nên trong Khuyến học, Yukichi đã để riêng một tựa luận đề rằng: “Đang hạnh phúc thì chớ quên sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục”. Tức là quốc dân trong lúc đang sung sướng tận hưởng nền độc lập, tự do cũng không được phép quên đi nguy cơ bị nước mạnh chèn ép, thâu tóm. Cá nhân muốn độc lập thì phải luôn sẵn sàng với kế hoạch vượt qua nghịch cảnh. Có như thế, đời người lúc nào cũng ung dung, vững tiến về phía trước và tận hưởng sự hạnh phúc tại tâm.
Yukichi nói rằng, trong cuộc sống, con người làm nhiều việc ngu ngốc hơn so với suy nghĩ trong đầu, làm nhiều điều xấu xa hơn so với cảm xúc trong lòng và kết quả đạt được thường không như dự tính ban đầu. Có rất nhiều trường hợp bị xã hội chê cười, hoặc tự mình hối hận vì cứ nghĩ rằng “việc này hợp với khả năng của mình”, nhưng đến lúc bắt tay vào làm thì hết hỏng chỗ này lại sai chỗ khác, mà lại toàn hỏng và sai ở những chỗ không thể ngờ tới.
Yukichi chỉ ra, có một nguyên nhân rất lớn trong những thất bại như vậy. Đó là cuộc sống luôn sống động, xã hội không đứng yên mà luôn vận động. Vì thế, nếu không dự đoán hay lường trước được sự biến đổi thì người thông minh cũng sẽ gặp thất bại khôn lường.
Bởi thế, con người phải có tầm nhìn xa trông rộng và nhờ có tri thức mà làm được điều mình muốn.
Franklin từng nói: “Gì chứ thời gian thì không bao giờ thiếu. Nhưng khi bắt tay vào việc gì thì luôn thiếu thời gian”. Ví như có anh học trò nọ, rời quê lên tỉnh học, trong lòng tự nhủ: “Chấp nhận mọi khó khăn, ba năm nữa sẽ học thành tài”. Lại có chàng thư sinh nghèo khó: “Ước gì mình có đống tiền. Ngay lập tức sẽ xây trường học khắp nơi trên đất Nhật Bản để cho mọi người có chỗ học tập”. Ước sao được vậy. Anh ta trở nên giàu có. Nhưng thử hỏi xem anh ta có thực hiện đúng như suy nghĩ trước đấy hay không?
Những suy nghĩ không tưởng như thế, trong xã hội nhiều vô kể. Đó là vì mọi người thường nhìn nhận vấn đề quá dễ dàng, không suy nghĩ tới khả năng khả thi cũng như dự đoán đúng thời hạn của công việc.
Yukichi tin rằng, khi làm bất cứ việc gì, bao giờ cũng có một vấn đề rất quan trọng, đó là thời cơ. Nếu không gặp thời, người tài giỏi đến mấy cũng khó phát huy được. Vì thế, nhìn nhận sâu sắc về sự biến chuyển của cuộc sống là cơ hội để con người vươn tới thành công.
Ở tầm quốc gia, người dân trong lúc tận hưởng nền độc lập, tự do, bình đẳng cũng không được phép quên rằng, sẽ có lúc phải đối mặt với tủi nhục, buồn khổ. Người dân và chính quyền cần nhìn xa trông rộng, liệu tính được vận mệnh tương lai đất nước. Từ đó, họ cùng tham gia vào công cuộc phát triển, hoạch định những kế hoạch hành động cụ thể để duy trì sự hạnh phúc toàn dân được lâu dài.
Tất nhiên, ngoài việc phải lo xa, lường trước khó khăn, Fukuzawa Yukichi cũng chỉ ra rằng con người muốn hạnh phúc thì phải có niềm hy vọng vào tương lai. Ông nói: “Hy vọng vào tương lai xán lạn là liều thuốc an ủi nỗi bất hạnh hiện thời”.
Chính vì hy vọng vào tiền đồ xán lạn nên con người mới có sức lực, tinh thần chịu đựng nỗi bất hạnh đang có. Quốc gia muốn độc lập thì người dân phải có niềm tin vào tiền đồ đất nước, từ đó nhẫn nại, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, và muốn vậy thì phải có kế hoạch tiên kiến rõ ràng.
Leave a Comment